Đăng nhập

SỰ RA ĐỜI CỦA CHI BỘ ĐẢNG NGUYỄN NHÂN (TIỀN THÂN CỦA ĐẢNG BỘ XÃ ĐẠI HỒNG)

(19/08/2020). Số lượt xem:2112

 

I. Nhân dân Đại Hồng vùng lên trong cao trào Cách mạng Tháng Tám và tập trung xây dựng Chính quyền:

Dưới sự lãnh, chỉ đạo của Huyện ủy Đại Lộc về việc chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ giành chính quyền về tay nhân dân và xây dựng cơ sở Đảng ở các xã.

Từ đêm 17 rạng sáng ngày 18 dến ngày 19/8/1945, nhân dân Đại Hồng đã đứng lên, góp sức mình tiến hành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Đại Lộc, đem lại thắng lợi vẻ vang. Thắng lợi cách mạng Tháng Tám ở xã nhà, đã nói lên tinh thần đấu tranh bất khuất kiên cường vì độc lập tự do của nhân dân, sự chỉ đạo sáng suốt của Huyện ủy, Ủy ban bạo động khởi nghĩa huyện cùng với sự nỗ lực không mệt mỏi của các cơ sở cách mạng ở xã nhà, đã góp phần đưa cuộc khởi nghĩa đến thắng lợi hoàn toàn.

Sau khi cướp chính quyền, UBND cách mạng lâm thời các cấp của ta nhanh chóng bắt tay vào việc củng cố và xây dựng chính quyền, đẩy mạnh việc củng cố và phát triển cơ sở cách mạng, thiết lập các tổ chức quần chúng đi vào thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng và bảo vệ chính quyền nhân dân…

Đến Tháng 02/1946, đồng chí Đặng Khiết – Huyện ủy viên được phân công phụ trách các xã phía Tây huyện giới thiệu đồng chí Lê Xưng, đồng chí Nguyễn Đức Tám cho Huyện ủy kết nạp Đảng.

Tháng 4/1946, đồng chí Đặng Khiết chuyển công tác khác, Tỉnh ủy phân công đồng chí Trần Cát về phụ trách Đại Hồng, đồng chí Trần Cát đã giới thiệu cho Huyện ủy kết nạp hai đảng viên mới là đồng chí Ngô Lưu và đồng chí Ngô Lan.

Đến 20/8/1946, Đại Hồng đã thành lập được chi bộ Đảng. Tuy nhiên do điều kiện tình hình nên chi bộ xã Đại Hồng đã láy mật danh của đồng chí Trường Chinh là Nguyễn Nhân để đặt tên cho chi bộ xã.

II. Sự ra đời và hoạt động của Chi bộ xã:

Chi bộ Nguyễn Nhân (mật danh của đồng chí Trường Chinh) là chi bộ tiền thân của Đảng bộ Đại Hồng được thành lập ngày 20/8/1946 tại làng Đông Phước.

Ngày thành lập chi bộ có 4 đảng viên gồm: đồng chí Lê Xưng, đồng chí Nguyễn Đức Tám, đồng chí Ngô Lan và đồng chí Ngô Lưu. Đồng chí Lê Xưng được chỉ định làm Bí thư chi bộ.

Sau khi thành lập, chi bộ Nguyễn Nhân đã tích cực phát triển đảng viên mới như: Nguyễn Quy, Nguyễn Cự, Nguyễn Chín, Bùi Ái, Bùi Min, Võ Kha, Phan Phòng…. Đồng thời đã đưa một số đảng viên trong chi bộ đi dự các lớp ngắn ngày về lý luận Mác – Lênin.

Tháng 10 năm 1946, theo chủ trương chung của huyện Đại Lộc các xã cùng với các làng của xã Đại Hồng hợp thành xã Đại Hồng.

Ngày 20/12/1946, chi bộ xã Đại Hồng tổ chức Đại hội chi bộ lần thứ nhất. Đồng chí Lê Xưng được bầu làm Bí thư chi bộ.

Xã Đại Hồng lúc bấy giờ có 2.000 hộ và 8.000 dân, được chia ra 14 thôn; đồng thời được chia ra làm 03 khu vực gồm: Lục Nam, Ngọc Hà và Đài Sơn. Mỗi nơi có 01 Ban chỉ huy dân quân khu vực.

Mặt trận Việt Minh, các đoàn thể: Hội Nông dân cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Hội lão thành cứu quốc, Đoàn thanh niên cứu quốc,… cũng được hợp nhất và tăng cường hoạt động từ xã đến các thôn xóm.

Vai trò của việc thành lập Chi bộ là thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền giác ngộ và tập hợp các tầng lớp nhân dân yêu nước nhằm phát triển lực lượng cách mạng, xây dựng và củng cố chính quyền xã, vận động nhân dân tham gia các tổ chức quần chúng. Ngoài ra, chi bộ còn chú trọng triển khai các chính sách kinh tế - xã hội của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, các sắc lệnh, Nghị định của Chính phủ ban hành về việc bãi bỏ các thứ thuế thân, thuế sát sinh, thuế chợ, giảm thuế điền 20%, bãi bỏ các quy định của chế độ cũ bắt nông dân đóng góp một cách vô lý… được Chi bộ Đảng và chính quyền xã chỉ đạo thi hành có hiệu quả, đem lại tác dụng to lớn trong việc đoàn kết toàn dân, xây dựng lòng tin trong quần chúng về một chính quyền của dân, do dân và vì dân.

Trong quá trình hoạt động và sinh hoạt, Chi bộ gặp không ít những khó khăn, thách thức cam go; Song, chi bộ Đại Hồng vẫn kiên trung với Đảng, hiên ngang vững chí trước đàn áp của kẻ thù, tập trung lãnh đạo phong trào đấu tranh rộng khắp với quy mô từ thấp đến cao, từ chiều rộng đến chiều sâu góp phần làm lay động tận gốc rễ chế độ cai trị của chính quyền Thực dân Pháp.

Những ngày cuối năm 1946, trước tình hình không thể ngồi yên nhân nhượng khi Thực dân ngang nhiên xóa bỏ Hiệp định sơ bộ (06/3/1946) và Tạm ước (14/9/1946) quyết tâm xâm lược đất nước ta một lần nữa, tình thế buộc nhân dân ta phải cầm súng chiến đấu chống quân thù.

Theo chủ trương của cấp trên, quân và dân xã Đại Hồng đã ngày đêm đào hầm, giao thông hào, công sự mật, triệt để phá đường giao thông, xây dựng chướng ngại vật, kiên quyết không cho địch tiến nhanh, không để một cơ sở gì địch có thể làm nơi đồn trú, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, vườn không nhà trống, bất hợp tác triệt để với giặc. Khi có lệnh tản cư, đảng viên, cán bộ phải đi theo đồng bào, hướng dẫn đồng bào tản cư đến đúng địa bàn quy định.

Chi bộ và nhân dân Đại Hồng đã chung sức cùng với chi bộ, quân và nhân dân trong huyện đào một đoạn hào giao thông từ chân núi Ba Khe đến sát bờ sông Vu Gia ngăn chặn xe cơ giới của giặc Pháp lên Hà Tân, Bến Hiên, Bến Giằng, băm nát từng đoạn đường 14B, chuyển thóc dự trữ vào chân núi ở 5 điểm từ Đại Hiệp đến Đại lãnh để đảm bảo nhu cầu lương thực cho Trung đoàn 96 ăn no đánh giặc.

Cùng với toàn huyện, chi bộ Đảng và nhân dân Đại Hồng đã nỗ lực phấn đấu, làm hết sức mình để chuẩn bị mọi điều kiện cho sự nghiệp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc vì cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài nhưng nhất định thắng lợi của dân tộc ta.

Sau giải phóng 1975, thực hiện các Nghị quyết Đại hội IV, V của Đảng, chi bộ Đảng và nhân dân Đại Hồng tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, từng bước xây dựng quan hệ sản xuất mới và cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, củng cố giữ vững quốc phòng – an ninh.

Thực hiện Chỉ thị số 56/CT-TW ngày 14/10/1978 của ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IV), Chỉ thị số 06/CT-TU của Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng về tổ chức Đại hội Đảng các cấp. Được sự chỉ đạo của Thường vụ Huyện ủy Đại Lộc, sau 33 năm kể từ khi thành lập chi bộ Đảng và trải qua 5 lần Đại hội. Ngày 05/5/1979, tị Hội trường Ủy ban nhân dân xã, Đảng bộ xã Đại Hồng tổ chức Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 1979-1982, có 33 đảng viên tham dự. Đại hội bầu đồng chí Nguyễn Văn Lộc giữ chức Bí thư Đảng ủy xã.

Từ đó đến nay, trải qua các giai đoạn lịch sử, để đáp ứng với nhiệm vụ của cách mạng, chi bộ rồi đến Đảng bộ đã tiến hành 17 lần Đại hội.

III. Các mốc son của chi bộ rồi đến Đảng bộ:

Đại hội chi bộ lần thứ nhất, chi bộ xã Đại Hồng tổ chức vào ngày 20/12/1946, đồng chí Lê Xưng được bầu làm Bí thư chi bộ.

Chi bộ tổ chức Đại hội lần thứ hai vào đầu năm 1949, đồng chí Nguyễn Quy được bầu làm Bí thư chi bộ.

Đại hội chi bộ lần thứ ba, vào giữa năm 1964, đồng chí Nguyễn Mạch được bầu làm Bí thư chi bộ.

Đại hội chi bộ lần thứ tư vào đầu năm 1970, đồng chí Nguyễn Mậu Lâu được bầu làm Bí thư chi bộ.

Ngày 15/9/1976, chi bộ tổ chức Đại hội lần thứ năm, đồng chí Phan An được bầu làm Bí thư chi bộ.

Đại hội lần thứ sáu vào tháng 5/1979, từ chi bộ phát triển thành Đảng bộ với 33 đảng viên tham dự, đồng chí Nguyễn Văn Lộc được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã.

Đại hội lần thứ bảy, Đại hội Đảng bộ xã tổ chức vào tháng 12 năm 1982, đồng chí Bùi Ngọc Vinh được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã.

Ngày 12/01/1986, Đại hội Đảng bộ xã lần thứ tám đã bầu đồng chí Huỳnh Tấn giữ chức Bí thư Đảng ủy xã, đồng chí Nguyễn Quốc Mên giữ chức Phó Bí thư.

Đại hội Đảng bộ lần thứ chín, tổ chức vào ngày 30/9/1988, đồng chí Huỳnh Tấn được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã, đồng chí Nguyễn Văn Tiến giữ chức Phó Bí thư.

Ngày 25/12/1991, Đại hội Đảng bộ xã Đại Hồng lần thứ mười đã bầu đồng chí Đặng Hùng Trận giữ chức Bí thư Đảng ủy xã.

Ngày 22/6/1994, Đại hội Đảng bộ xã Đại Hồng lần thứ mười một đã bầu đồng chí Đặng Hùng Trận giữ chức Bí thư Đảng ủy xã.

Đại hội Đảng bộ xã Đại Hồng lần thứ mười hai vào ngày 02/01/1996, Đại hội bầu đồng chí Đặng Hùng Trận tiếp tục giữ chức Bí thư Đảng ủy xã, đồng chí Nguyễn Quốc Mên giữ chức Phó Bí thư. Đến tháng 6/1997, đồng chí Nguyễn Quốc Mên được bầu làm Bí thư Đảng ủy.

Đại hội lần thứ mười ba vào tháng 7/1997, Đảng bộ xã Đại Hồng tổ chức Đại hội giữa nhiệm kỳ để góp ý vào văn kiện Đại hội Đảng bộ Tỉnh Quang Nam lần thứ XVII.

Ngày 30/6/2000, Đại hội Đảng bộ xã Đại Hồng lần thứ mười bốn, bầu đồng chí Nguyễn Văn Ngó giữ chức Bí thư Đảng ủy xã.

Đại hội lần thứ mười lăm nhiệm kỳ 2005-2010, được tổ chức vào ngày 07/7/2005, Đại hội đã bầu đồng chí Huỳnh Phê giữ chức Bí thư Đảng bộ, đồng chí Đặng Văn Kỳ làm Phó Bí thư.

Ngày 26-27/5/2010, Đại hội Đảng bộ xã lần thứ mười sáu, nhiệm kỳ 2010-2015 được tổ chức; Đại hội đã bầu đồng chí Huỳnh Phê giữ chức Bí thư Đảng bộ, đồng chí Đặng Văn Kỳ làm Phó Bí thư.

Đại hội Đảng bộ xã lần thứ mười bảy, nhiệm kỳ 2015-2020 được tổ chức vào ngày 20-21/5/2015 tại Hội trường UBND xã Đại Hồng. Đồng chí Huỳnh Phê được bầu giữ chức vụ Bí thư Đảng bộ, đồng chí Nguyễn Thị Lạc giữ chức Phó Bí thư. (tháng 2/2018 đ/c Huỳnh về nghỉ hưu theo chế độ, đ/c Huỳnh Hưng Quang – Phó trưởng BTC Huyện ủy được BTV huyện ủy điều động về xã và giữ chức Bí thư Đảng ủy).

Đại hội đại biểu Đảng bộ xã lần thứ mười tám, nhiệm kỳ 2020-2025 (đây là lần đầu tiên Đảng bộ Đại hội đại biểu) được tổ chức trong 2 ngày từ 16-17/6/2020 tại Hội trường UBND xã Đại Hồng. Đại hội bầu ra BCH khóa XVIII gồm 15 đồng chí, dồng chí Huỳnh Hưng Quang được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã, đ/c Nguyễn Văn Tính giữ chức Phó Bí thư trực Đảng.

IV. Kết luận:

Trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay, tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Đại Hồng nỗ lực phấn đấu, tiếp tục triển khai và vận động sáng tạo các Nghị quyết của Đảng vào điều kiện cụ thể của địa phương, tạo ra bước chuyển biến tích cực đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực.

Hiện nay, Đảng bộ có 14 chi bộ trực thuộc gồm 10 chi bộ thôn, 3 chi bộ Trường học và 1 chi bộ Quân sự.

Có thể khẳng định, Chi bộ Nguyễn Nhân ra đời (nay là Đảng bộ xã Đại Hồng) đã không ngừng hoạt động, lãnh đạo chuẩn bị khởi nghĩa từ công tác vận động quần chúng đến chiến đấu chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, góp phần cùng với phong trào cách mạng trong huyện, tỉnh làm nên chiến thắng vang dội ngày 20/4/1966 tại làng Hà Vy, chiến thắng Thượng Đức 1974- mở toang cánh cửa thép ở phía Tây Nam Quảng Nam – Đà Nẵng, góp phần vào thắng lợi hoàn toàn miền Nam thông nhất đất nước 1975.

Sự ra đời của Chi bộ Nguyễn Nhân ngày 20/8/1946, là 1 sự kiện chính trị lịch sử quan trọng của Đại Hồng, ghi nhận một giai đoạn phát triển mới của phong trào cách mạng. Để ghi dấu lại sự kiện chính trị quan trọng này, với sự thống nhất và  ủng hộ của cấp ủy Đảng, tuổi trẻ Đại Hồng đã vận động, quyên góp xây dựng Khu Bia di tích vào ngày 26/3/2014 tại thôn Đông Phước, đây là điểm Di tích để cán bộ, đảng viên ghi nhớ và là địa chỉ đỏ để giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ

 

                                              Hứa Thị Mận

                                       VHTT xã Đại Hồng

 

[Trở về]

Đang tải dữ liệu ...
Đang tải dữ liệu ...
Đang tải dữ liệu ...
Đang tải dữ liệu ...
Đang tải dữ liệu ...
Đang tải dữ liệu ...
ĐĂNG NHẬP
Đăng nhập

UBND xã Đại Hồng - huyện Đại Lộc - Quảng Nam

Địa chỉ : Thôn Phước Lâm, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh

Điện thoại: 02353.770.793